Bánh Dây Bồng Sơn Bình Định
Bánh dây Bồng Sơn Bình Định là món ăn đặc sản của xứ Nẫu, với cách chế biến cầu kỳ cùng hương vị thơm ngon đặc trưng, ít nơi nào có được.
Bánh dây Bồng Sơn – đặc sản nổi tiếng huyện Hoài Nhơn
Đến Bình Định, bạn có thể thưởng thức bánh hỏi cháo lòng, uống rượu Bàu Đá hay mua bánh ít lá gai về làm quà. Nhưng nếu muốn có một chuyến đi trọn vẹn, đừng quên ghé huyện Hoài Nhơn thưởng thức món bánh dây Bồng Sơn Bình Định nổi tiếng.
Thoạt nhìn qua, bạn sẽ có cảm tưởng như đây là một dĩa bún, mì hay phở xào do đặc điểm bánh là những sợi dây dài. Tuy nhiên, khi thưởng thức, bạn sẽ thấy bánh khác hoàn toàn với những món sợi của kể trên.
Vị bánh mang dáng vẻ của hương đồng cỏ nội với mùa của gạo thơm, chút nồng của lá hẹ hay chút béo của đậu phộng quê nhà. Tất cả quyện hòa vào nhau tạo nên nét đặc trưng riêng của món ăn đặc sản Bình Định.
Dù là món ngon nổi tiếng nhưng nếu muốn thưởng thức bánh dây chính gốc, bạn phải về xã Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Bởi nơi đây chính là khởi nguồn của món ăn vặt thơm ngon, công phu này.
Bánh dây muốn ngon thì phải kỳ công
Có về tận Bồng Sơn và nghe người dân ở đây chia sẻ về cách làm bánh, bạn mới hiểu hết sự công phu, cầu kỳ khi làm món ăn này. Công đoạn chế biến không phải quá nhiều nhưng đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm của người làm bánh. Đặc biệt, để bánh dây Bồng Sơn Bình Định ngon đúng chuẩn, việc chọn nguyên liệu cũng là điều vô cùng quan trọng.
Người dân Bồng Sơn cho biết, loại gạo dùng làm bánh phải là gạo cũ ít nhất vài tháng, gạo càng cũ thì bánh càng có vị dai ngon đặc trưng. Ngoài ra, các loại gạo cũ còn cho mùi hương tự nhiên, mang đến sự hấp dẫn ý nhị cho món bánh dây thành phẩm.
Bên cạnh việc chọn gạo ngon, một nguyên liệu khác cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng đó là tro dùng ngâm gạo. Loại tro được ưu tiên là tro củi, độ mịn cao thì làm bánh mới chuẩn.
Khi có đủ nguyên liệu làm bánh, người thợ sẽ bắt tay vào công đoạn thực hiện. Việc đầu tiên là đem gạo vo sạch tro trấu, bụi bẩn. Sau đó, gạo được cho vào nước tro củi ngâm trong thời gian 6 tiếng đồng hồ.
Đây là khoảng thời gian đủ để những hạt gạo trắng ngần thẩm thấu được nước tro, đồng thời có màu vàng nâu đặc trưng khi bánh chín. Có lẽ vì công đoạn này mà nhiều người đã gọi bánh dây Bồng Sơn Bình Định là bún nước tro. Tuy nhiên, dù có gọi bằng tên gì đi chăng nữa, món ăn vẫn giữ được nét đặc trưng khó nhầm lẫn.
Sau 6 tiếng, thợ làm bánh sẽ dùng gạo ngâm nước tro này xay thành bột mịn. Phần bột được bồng cho đặc lại và cắt thành từng khúc nhỏ, cho vào khuôn ép thành những vỉ bánh và sau đó tạo thành sợi như bún. Những sợi bột này sau đó được mang đi hấp cách thủy cho chín đều.
Thành phẩm là những sợi bánh dây có màu vàng nhạt đẹp mắt và hấp dẫn. Quả thực, món đặc sản Bình Định này có cách chế biến thật công phu, bởi vì khi bánh được hấp chín vẫn chưa hoàn tất công đoạn chế biến.
Bánh dây sau khi chín sẽ được dở ra ngoài, để nguội. Trong thời gian đó, người thợ sẽ pha thêm nước mắm tỏi ớt để thưởng thức. Để nước chấm ngon, người dân xứ Nẫu có công thực riêng, kế hợp nước mắm truyền thống, chanh tươi và tỏi ớt để món nước chấm có vị chua ngọt mặn đậm đà. Đặc biệt, nước chấm phải pha loãng vì nếu chỉ sử dụng nước mắm nguyên chất sẽ rất mặn, khi ăn không được ngon và cũng không tốt cho sức khỏe.
Ăn cùng với bánh dây Bồng Sơn Bình Định ngoài nước chấm còn phải có dầu hẹ, đậu phộng rang và các loại rau sống. Bánh khi đem sắp xếp ra dĩa sẽ được tách rời khỏi vỉ, cắt từng đoạn rồi sắp xếp ngay ngắn vào đĩa.
Tiếp theo, người thợ sẽ thoa thêm một ít dầu hẹ thật đều tay bên trên, cho một vài muỗng đậu phộng rang và chan 1 – 2 muỗng nước mắm tỏi chanh ớt. Cuối cùng, các loại rau sống như diếp cá, xà lách, rau thơm, giá,… được xếp bên trên, tạo thành món ngon hấp dẫn với đủ màu vàng của bánh dây, màu xanh của các loại rau và điểm xuyết thêm màu đỏ của ớt trong nước chấm.
Vậy là sau một công đoạn chế biến công phu, cuối cùng món bánh dây cũng đã hoàn thành. Nếu bạn đến Bồng Sơn và ăn ở hàng quán, bạn sẽ không mất thời gian để chờ đợi. Cứ ngồi vào quán vài phút là một đĩa bánh thơm ngon hấp dẫn được mang ra. Khi ăn, bạn có thể gắp một miếng bánh dây cùng vài miếng rau sống, rồi cứ thế cho vào miệng thưởng thức.
Để cảm nhận vị ngon của món đặc sản Bình Định này, bạn nên ăn chậm để nghe được mùi thơm thoang thoảng của gạo cũ, mùi nồng nhẹ của dầu hẹ thoáng qua, vị bùi bùi của đậu phộng và cả độ dai đặc trưng của món bánh dây nước tro. Tất cả những hương vị trong món bánh mang dáng vẻ của nét quê nhà mộc mạc bình dân, nhưng càng ăn, càng thấy ngon miệng.
Nguồn: https://dulichvietnam.com.vn