Mấy năm gần đây, ngành văn hóa cùng các địa phương chú trọng tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng trong các ngày lễ, tết, sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh… thu hút đông đảo người dân tham gia, đáp ứng khá tốt nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân.
Tạo không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh
TP Quy Nhơn là một trong những địa phương thường xuyên tổ chức hoạt động văn nghệ quần chúng. Ngoài các chương trình văn nghệ phục vụ các sự kiện trọng đại, thành phố còn duy trì tổ chức nhiều hoạt động khác như Ngày hội VH-TT miền biển, lễ hội đường phố, hội thi bài chòi dân gian… Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, cho biết: “Hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở TP Quy Nhơn mấy năm gần đây lan tỏa sâu rộng, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân. Thông qua các hoạt động biểu diễn văn nghệ, chúng tôi hướng đến quảng bá du lịch đến du khách”.
Huyện Hoài Ân cũng dành nhiều sự quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Già làng Đinh Văn Khin, ở thôn T4, xã Bok Tới, tâm tình: Định kỳ 2 năm/lần, UBND huyện duy trì luân phiên tổ chức Ngày hội VH-TT các dân tộc tại 3 xã vùng cao Ðak Mang, Bok Tới, Ân Sơn để đồng bào Bana, H’re được giao lưu, thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết, chung tay gìn giữ. Hơn thế nữa, nhờ có Ngày hội mà người già dễ truyền dạy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, múa xoang… cho lớp trẻ và thanh niên giờ cũng siêng trình diễn hơn.
Tại TX Hoài Nhơn, TX An Nhơn, huyện Tuy Phước hoạt động ca múa nhạc, nghệ thuật diễn xướng bài chòi dân gian được duy trì, lan tỏa đến nhiều phường, xã thông qua các hội thi, hội diễn, chương trình văn nghệ mang tính chất giải trí gắn với tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh… Trong khi đó, ở huyện Phù Mỹ phong trào văn nghệ quần chúng cũng được tổ chức đa dạng loại hình dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Phù Mỹ, chia sẻ: Ngoài duy trì Cuộc thi giọng hát hay huyện Phù Mỹ, năm nay chúng tôi tổ chức Cuộc thi tiếng hát Hoa phượng đỏ… Đặc biệt, huyện Phù Mỹ phát triển thêm hội bài chòi dân gian với tinh thần xã hội hóa được công chúng mộ điệu ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần để tổ chức; nhiều người mộ điệu đến giao lưu, cùng hô bài chòi với các anh, chị hiệu, góp phần tạo không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh, bổ ích.
Nhiều cuộc thi văn nghệ được tổ chức ở cấp xã cũng tạo không khí sôi nổi. Điển hình như tối 15.8, xã Tây Phú (huyện Tây Sơn) tổ chức Hội diễn văn nghệ quần chúng với sự tham gia của 5 đội thi các thôn Phú Mỹ, Phú Thọ, Phú Thịnh, Phú Hiệp và Phú Lâm đã thu hút đông đảo người dân đến xem. Ông Nguyễn Văn Thơ, ở thôn Phú Thọ, xã Tây Phú, thổ lộ: Các nghệ nhân, ca sĩ “cây nhà, lá vườn” đủ mọi lứa tuổi đến từ các thôn đã tự dàn dựng, tập luyện biểu diễn nhiều tiết mục ca, múa được bà con vỗ tay reo hò cổ vũ. Không những được giải trí, chương trình cũng rất bổ ích vì bà con được cập nhật chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước khi xem văn nghệ.
Tiếp tục phát triển phong trào
Bên cạnh dàn dựng các chương trình biểu diễn văn nghệ phục vụ các sự kiện lớn, hằng năm, Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức 2 đợt tuyên truyền lưu động tại 8 -10 địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, góp phần làm đậm đà đời sống tinh thần của người dân đồng thời giúp bà con nâng cao nhận thức, chấp hành tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ông Đặng Hiếu Thành, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa (Trung tâm Văn hóa tỉnh), cho biết: Khác với trước, gần đây tại mỗi điểm diễn, chúng tôi đều mời các hạt nhân văn nghệ của địa phương cùng biểu diễn giao lưu để thắt chặt thêm tình đoàn kết, nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Năm nay, Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng dàn dựng nhiều chương trình văn nghệ tham gia các hội thi, hội diễn do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) tổ chức và đạt giải cao, những chương trình này cũng sẽ được biểu diễn để phục vụ nhân dân trong các đợt tuyên truyền lưu động sắp tới…
Để khuyến khích phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều đề án, dự án về bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống cũng được ngành văn hóa triển khai đến tận cơ sở.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Huỳnh Thị Anh Thảo cho biết: Sở đang phối hợp các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định giai đoạn 1 từ năm 2021 – 2025. Qua đó, khuyến khích cộng đồng địa phương phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của nhân dân; từng bước thu hẹp khoảng cách thụ hưởng văn hóa, nghệ thuật giữa các vùng miền…
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/